Doanh nghiệp Sài Gòn đổ đi buôn bất động sản biển

Năm 2019 được xem là “hạn hán” nguồn cung mới tại TP HCM khi chính quyền đô thị này hạn chế cấp phép dự án mới và tiến hành rà soát, thanh kiểm tra pháp lý của hàng loạt dự án nhà ở đang triển khai trên địa bàn.

Ngay từ quý I/2019, không khí của thị trường bất động sản tại TP HCM đã kém khởi sắc so với cùng kỳ các năm trước, số dự án mới được công bố khá ít ỏi. Điểm khác biệt lớn của năm nay là có rất nhiều doanh nghiệp địa ốc trú đóng tại Sài Gòn đang rầm rộ đổ ra các tỉnh ven biển buôn bất động sản.

Ghi nhận của VnExpress, hầu như các đại gia bất động sản có tên tuổi tại thị trường TP HCM đều đã chủ động rời khỏi địa bàn truyền thống. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cho rổ hàng bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành: Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên… để mở rộng ra thị trường mới.

Lãnh đạo một công ty địa ốc có trụ sở tại khu An Phú, quận 2, TP HCM tiết lộ đang điều toàn bộ nhân lực gồm cả trăm nhân viên sale dịch chuyển về địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang để bán các sản phẩm nhà đất ven biển trên địa bàn này. Doanh nghiệp thậm chí xác định rổ hàng của cả năm 2019 sẽ không có sản phẩm nào tọa lạc tại Sài Gòn mà chủ yếu tập trung bám biển để đánh bắt xa bờ.

Giữa tháng 3, Công ty Novaland công bố chiến lược kinh doanh trong năm 2019 là đẩy mạnh bất động sản nghỉ dưỡng và mảng dịch vụ du lịch. Doanh nghiệp này cho biết sẽ tung ra thị trường thêm 2.300 sản phẩm bất động sản mới ven biển, tọa lạc tại các thủ phủ du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết – Bình Thuận, Cam Ranh – Khánh Hòa. Kế hoạch kinh doanh trong trong 12 tháng tới của doanh nghiệp cho thấy tham vọng hướng ngoại, kỳ vọng doanh số vào thị trường có bán kính xa TP HCM.

Phối cảnh một dự án mới tọa lạc ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu có vườn thú safari của doanh nghiệp Sài Gòn.

Phối cảnh một dự án mới tọa lạc ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu có vườn thú safari của doanh nghiệp Sài Gòn.

Một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại quận 3, trong gần một thập niên qua chuyên phát triển các dự án nhà ở trung cao cấp tại TP HCM cũng rục rịch chuẩn bị rổ hàng tại Khánh Hòa và Bình Định. Mục tiêu của động thái thoát ly này là nhằm tránh kịch bản “ngồi không” khi thị trường chủ lực là Sài Gòn đang trong tình trạng chậm ra dự án mới.

Công ty bất động sản Danh Khôi Việt có trụ sở tại quận 1, TP HCM, cũng chuẩn bị rổ hàng nằm ngoài địa bàn thành phố để mở bán trong năm 2019. Rổ hàng chủ lực của doanh nghiệp này sẽ được tung ra trong năm nay là nhà phố biển tọa lạc tại Bãi Dài, nằm liền kề sân bay, cách Cảng biển Quốc tế Cam Ranh 7 km.

Một công ty môi giới bất động sản có trụ sở tại quận 12, TP HCM trước nay chuyên phân khúc bất động sản bình dân tại nội ngoại thành Sài Gòn và tỉnh giáp ranh là Bình Dương nhưng năm 2019 doanh nghiệp cũng đổ ra biển bán bất động sản nghỉ dưỡng. Địa bàn được doanh nghiệp này nhắm đến là Phú Yên với dòng sản phẩm căn hộ khách sạn và shophouse biển.

Tổng giám đốc Công ty đầu tư Phú Vinh, Phan Công Chánh cho rằng việc nhiều đơn vị môi giới và nhà phát triển bất động sản có trụ sở trú đóng tại Sài Gòn đang đổ xô chào bán bất động sản ven biển là do thị trường TP HCM thiếu hụt sản phẩm mới.

Chuyên gia này phân tích, với việc thành phố chủ trương hạn chế cấp phép các dự án nhà ở mới cộng thêm việc rà soát, thanh tra pháp lý nhiều dự án đang triển khai đã khiến việc triển khai rổ hàng của doanh nghiệp chậm lại. Nguồn cung mới và chủ lực là bất động sản nhà ở cũng như sản phẩm đầu tư tại đô thị này bắt đầu chững lại đáng kể.

Đa số các doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM đều có kế hoạch đánh bắt xa bờ để nuôi quân, mục tiêu tồn tại để vượt khó đặt lên hàng đầu. Vì vậy, hiện tượng môi giới nhà đất cùng nhiều nhà phát triển bất động sản tại Sài Gòn rời địa bàn chính, dịch chuyển sang các thị trường mới là phản ứng bình thường.

Theo ông Chánh, trong nhóm bất động sản nghỉ dưỡng, các dự án ven biển luôn có sức hút lớn với nhà đầu tư Việt Nam lẫn nước ngoài (thường chiếm 70%) so với các sản phẩm cùng loại tại vùng cao nguyên hay lõi trung tâm của đô thị. “Nhiều khả năng sẽ có đến 70% người tham gia thị trường địa ốc năm 2019 sẽ chọn bất động sản ven biển so với bất động sản miền núi. Đây là lý do xu hướng buôn bất động sản ven biển đang mạnh dần”, ông Chánh nói.

Tuy nhiên, CEO Phú Vinh đánh giá, dù rời khỏi thị trường truyền thống đầy sôi động để bán bất động sản ven biển, các doanh nghiệp địa ốc TP HCM vẫn đang phục vụ nhóm khách hàng đầu tư đến từ Sài Gòn và các nhà đầu tư phía Bắc.

Chuyên gia này nhận định sẽ có một số tác động đáng lưu ý đến thị trường bất động sản Sài Gòn khi các doanh nghiệp trên địa bàn này đang xua quân ra tỉnh khác bán hàng. Hệ quả đầu tiên là TP HCM có thể thất thu ngân sách lớn do hoạt động chuyển nhượng bất động sản đóng góp tỷ lệ quan trọng trong tổng thu ngân sách bị sụt giảm.

Kế đến, xu hướng dịch chuyển dòng vốn (tiền) từ TP HCM và các thành phố lớn về các tỉnh ven biển sẽ mạnh dần trong năm 2019. Tác động cuối cùng là nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp bất động sản sẽ quen với tâm lý phải đi xa hơn mới có thể săn được cơ hội đầu tư mới. “Những diễn biến này sẽ phần nào làm giảm nhiệt thị trường đầu tư địa ốc tại Sài Gòn và áp lực tâm lý có thể đè nặng thị trường này trong thời gian tới”, ông Chánh dự báo.

Vũ Lê

5/5 - (1 bình chọn)