Thị trường bất động sản đóng băng chờ qua dịch

Thứ Hai, ngày 17/08/2020 11:30 AM (GMT+7)

Chưa kịp hồi phục sau dịch đợt 1, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục hứng chịu những tác động tiêu cực khi dịch bùng phát lần 2.

Sự kiện: Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế

Thị trường bất động sản đóng băng chờ qua dịch - 1

Khu nhà ở cao tầng dịch vụ văn phòng (Iris Garden) trên đường Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm

Ngoại trừ sản phẩm nhà ở còn nhúc nhắc giao dịch, các loại hình như biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ thương mại gần như tê liệt…

Giao dịch thưa thớt nhưng vẫn giữ giá

Trung tuần tháng 7, tại dự án Khu nhà ở cao tầng dịch vụ văn phòng (Iris Garden) trên đường Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Nhuệ Giang làm chủ đầu tư lúc nào cũng tấp nập người xem.

Phòng tư vấn dưới chân công trình kê 4 – 5 chiếc bàn cùng nhân viên sẵn sàng tư vấn cho khách. Nhưng từ cuối tháng 7 khi có thông tin dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khu vực dự án vắng hoe.

Trong vai khách hàng tìm mua căn hộ, PV Báo Giao thông được một nhân viên môi giới tên N.T.T. cho biết: Dự án còn khoảng 20% căn hộ, chủ yếu là căn 3 phòng ngủ, diện tích 132m2, giá bán dao động từ 3,9 – 4,4 tỷ đồng (29,5 – 33,3 triệu/m2). Nếu khách muốn mua căn nhỏ hơn, diện tích 103m2 thì phải mua lại.

“Hiện, có nhiều khách đã mua gặp khó khăn về tài chính do dịch nên bán lại, giá tương đương giá chủ đầu tư bán ra, khoảng 3,3 tỷ đồng. So với giá họ mua cách đây 2 năm từ khi đặt móng thì phần chênh lệch cũng chỉ đủ trả lãi ngân hàng. Anh mua thời điểm này thì lợi quá”, nhân viên tư vấn nói.

Nhân viên này cũng thừa nhận, với bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, thị trường khó ra hàng hơn, nguồn cung căn hộ vì thế không nhiều.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp The Terra – An Hưng nằm trên đường Tố Hữu do Tập đoàn Văn Phú Invest làm chủ đầu tư.

Liên hệ vào một số điện thoại dán tại dự án, người nghe tên Nguyễn Văn Nam cho biết, căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích 88m2 tầng trung có giá 3,3 – 3,85 tỷ đồng/căn (37 – 43,7 triệu/m2), nội thất liền tường, trừ khu bếp.

Sau một hồi trao đổi, anh Nam đồng ý giảm 5% (165 – 192 triệu đồng/căn) nếu chốt hợp đồng ngay. “Anh nói thật là nhà anh mua đầu tư hai căn, nếu ổn định như mọi năm không bao giờ anh xuống giá vì vị trí này cực đắc địa. Nhưng thời gian này đầu tư bằng tiền đi vay lãi thực sự khó khăn. Nếu đồng ý mai qua anh dẫn xem rồi ký hợp đồng luôn”, anh Nam chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Cần, Chủ tịch Shohovietnam cho rằng, mỗi mảng BĐS khác nhau sẽ bị ảnh hưởng mức độ nhiều hay ít nhưng nặng nhất vẫn là BĐS du lịch, thương mại, mặt bằng cho thuê…

Bởi khi dịch Covid-19 tái bùng phát, 80 – 90% khách hàng nội địa hủy tour du lịch, khách quốc tế vắng bóng. Khi đó, hàng hóa, dịch vụ không tiêu thụ được và tác động trực tiếp đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng nói riêng và BĐS nói chung.

Theo ông Cần, ghi nhận trong hoạt động giao dịch thực tế, bất động sản nhà ở giảm 5 – 7%. BĐS thương mại giảm 20 – 25% so với cuối năm 2019. Có những sản phẩm BĐS trước dịch rao bán 45 tỷ đồng, sau khi xảy ra dịch chỉ còn 33 tỷ đồng.

Then chốt là thời gian dập dịch

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần 2, chuyên gia nghiên cứu thị trường Nguyễn Ngọc Hiếu cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, dịch đợt 2 chưa nghiêm trọng bằng đợt 1 bởi hiện nay mới dừng lại ở khoanh vùng chứ chưa phải giãn cách xã hội. Những vùng, địa phương chưa bùng phát vẫn giao dịch bình thường.

Theo ông Hiếu, trải qua đợt dịch lần 1, người bán đã quen dần với cách thức bán hàng trong dịch, sống chung với dịch. “Tuy nhiên, thị trường từ giờ đến cuối năm không có sự khởi sắc nhanh và đột biến, càng không thể bằng năm ngoái”, ông Hiếu nhận định.

Dự báo thị trường BĐS đến cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường vẫn phụ thuộc vào việc dập dịch sớm hay muộn, từ đó đưa ra 2 kịch bản:

Kịch bản thứ nhất, dịch được dập trong tháng 8 thì thị trường vẫn giữ nhịp, có thể chậm lại nhưng vẫn hoạt động bình thường. Thực tế chứng kiến, sau đợt Covid-19 lần 1, thị trường phục hồi rất nhanh chóng, qua đó thấy được nhu cầu mua, đầu tư của khách hàng vẫn nhiều.

Kịch bản thứ 2, có thể xảy ra là dịch kéo dài hết quý III, quý IV, khi đó kinh tế chắc chắn suy thoái mạnh. Thu nhập người dân giảm, giao dịch giảm, độ trễ kéo dài sang năm 2021.

Nhận định tác động của tháng 7 Âm lịch, quan niệm “tháng cô hồn”, ông Đính khẳng định không ảnh hưởng gì đến thị trường. “Thậm chí trong “tháng cô hồn”, nguồn cung ít, nhiều chủ đầu tư tận dụng để thực hiện chương trình khuyến mại. Do đó, giá tốt, nhu cầu thực thì vẫn phát sinh giao dịch”, ông Đính nói.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường 6 tháng đầu năm được Savills Việt Nam công bố, thị trường Hà Nội trong quý II/2020 cung cấp khoảng 6.200 căn hộ mới, tăng 28% theo quý nhưng giảm 6% theo năm. Giá thuê mặt bằng bán lẻ ở mức từ 40 – 100USD/m2/tháng, giảm 2% theo quý và giảm 3% theo năm, mức thấp kỷ lục trong hai năm qua.

Trong khi đó, công suất cho thuê đối với khách sạn 3 – 5 sao là 21%, giảm 23% theo quý và giảm 52% theo năm, giá phòng trung bình giảm 14% theo quý và giảm 24% theo năm, xuống còn 85 USD/phòng/đêm.

Xã giàu có ở Việt Nam, biệt thự không hiếm, có lâu đài xây 9 năm tốn hàng chục tỷ
Xã giàu có ở Việt Nam, biệt thự không hiếm, có lâu đài xây 9 năm tốn hàng chục tỷ
5/5 - (1 bình chọn)